GIỚI THIỆU SÁCH: LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH ĐỊNH(1930-1945)

Bạn đọc thân mến! Bình Định là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, có lịch sử lâu đời và truyền thống văn hóa đặc sắc. Nhân dân Bình Định có lòng yêu nước nồng nàn và có truyền thống cách mạng anh hùng, bất khuất.

Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Bình Định sớm được thành lập, đảm đương sứ mệnh lãnh đạo phong trào cách mạng trong tỉnh ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (năm 1930).

Với mục đích giúp cho việc nghiên cứu, tìm hiểu một giai đoạn lịch sử của Đảng bộ tỉnh Bình Định cho đông đảo bạn đọc, Tiểu ban Lịch sử Đảng tỉnh Bình Định xuất bản bộ sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Định. Sách gồm 4 phần, với 4 giai đoạn lịch sử: 1930-1945; 1945-1954; 1954-1975 và 1975-2005.

Hôm nay, thư viện trường THCS Tam Quan Bắc xin trân trọng giới thiệu đến quý thầy cô giáo và các em học sinh phần một – Đảng bộ ra đời và cuộc đấu tranh giành chính quyền (1930-1945). Sách dày 164 trang với khổ 16x24cm. Được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định biên soạn.

Được biên soạn một cách có hệ thống, chặt chẽ, ngoài chương mở đầu và phụ lục, nội dung cuốn sách gồm 5 chương:

- Chương I: Các tổ chức Đảng đầu tiên (1928-1930)

- Chương II: Cao trào 1930-1931

- Chương III: Phong trào những năm 1932-1935

- Chương IV: Cuộc vận động dân chủ (1936-1939)

- Chương V: Khởi nghĩa giành chính quyền (1939-1945).

Từ trang 9 đến trang 24 là chương mở đầu: Giới thiệu về Đất nước, con người; Ai về Bình Định; Gánh nặng đế quốc, phong kiến; Cơ cấu xã hội và Bình Định mà không thể “bình định” được. Đọc phần này, bạn đọc sẽ biết được về vị trí địa lí, diện tích, địa hình, dân số, văn hóa,… của tỉnh nhà. Bình Định là tỉnh duyên hải miền Trung của Việt Nam, trải dài theo hướng Bắc - Nam, có chiều ngang với độ hẹp trung bình 55 km. Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía Nam giáp tỉnh Phú Yên, phía Tây giáp tỉnh Gia Lai và phía Đông giáp biển Đông với bờ biển dài 134 km, diện tích khoảng 6.100 km2. Là nơi sinh cư lập nghiệp của 4 dân tộc anh em: Chăm, Ba Na, H’rê và Kinh. Đồng bào Bình Định mãi mãi nâng niu một kỷ niệm thiêng liêng của những năm 1909-1910. Anh Nguyễn Tất Thành, trên đường ra nước ngoài tìm phương cứu nước, đã dừng chân lại đây một thời gian. Tại Bình Định, Anh với cha là cụ Nguyễn Sinh Huy đang làm tri huyện Bình Khê, đi lại các nơi: An Nhơn, Tuy Phước,… nơi Anh ở lâu nhất là thành phố Quy Nhơn.

Chương I được trình bày từ trang 25 đến trang 42 của tài liệu: Với những vận hội mới, phòng trào mới, được Tiếp nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, cùng với sự ra đười của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiểu tổ Tân Việt tại Nhà máy đèn Quy Nhơn bắt được liên lạc với Phân cục Trung Kỳ Đảng Cộng sản Việt Nam lập ra Chi bộ Cộng sản tại Nhà máy đèn Quy Nhơn. Lúc mới thành lập, chi bộ gồm 5 đồng chí, do đồng chí Lê Xuân Trữ, công nhân kỹ thuật Nhà máy đèn Quy Nhơn làm bí thư, sau đó là đồng chí Nguyễn Hoàng. Đây là chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập tại Bình Định (tháng 3/1930), sau đó là chi bộ Trường Quốc Học (tháng 11/1930).

Những đợt sóng đầu; Chống khủng bố trắng, nối liên lạc với Xứ ủy Trung Kỳ; Đợt đấu tranh tháng 7/1931 là nội dung của Chương II – Cao trào 1930-1931 được trình bày từ trang 43 đến trang 61.

Phong trào những năm 1932-1935 là chủ đề của Chương III. Nhiệm vụ Đấu tranh bảo vệ Đảng và Khôi phục, nhen nhóm phong trào được đặt lên hàng đầu. Tại nhà lao Quy Nhơn, đồng chí Nguyễn Trân đã bí mật lập ra Hội tù nhân tương tế với nhiệm vụ động viên chính trị, tư tưởng cho số cán bộ, đảng viên và quần chúng bị bắt, nhằm giữ vững tinh thần đấu tranh và khí tiết của người chiến sĩ cộng sản trước quân thù. Giai đoạn 1932-1935 là những năm tháng đầy khó khăn và thử thách rất nghiêm trọng đối với phong trào cách mạng Bình Định. Mặc dù đẩy mạnh chính sách khủng bố trắng rất khốc liệt, song thực dân Pháp và tay sai không thể nào ngăn cản được sự khôi phục và phát triển của phong trào cách mạng Bình Định.

Cuộc vận động dân chủ (1936-1939) là chủ đề của Chương IV. Toàn bộ chủ đề này được trình bày từ trang 73 đến trang 97. Đứng trước Tình hình và nhiệm vụ mới; Đòi tự do, dân chủ, thành lập Tỉnh ủy lâm thời Bình Định; Đẩy mạnh các hoạt động công khai hợp pháp và Chống khủng bố, giữ vững phong trào. Đây là đợt diễn tập thứ hai, chuẩn bị cho chiến thắng của Cách mạng tháng Tám. Tao tiền đề cho giai đoạn 1939-1945 Chuyển hướng phong trào chống Pháp – Nhật; Cao trào chống Nhật, cứu nước để rồi Giành chính quyền trong toàn tỉnh.

Mở đầu là giành chính quyền ở Quy Nhơn vào sáng ngày 23/8/1945. Đến Huyện Bình Khê (Tây Sơn) vào sang ngày 24/8/1945; Phủ Phù Mỹ vào chiều ngày 24/8/1945;  Huyện Hoài Ân ngày 26/8/1945; Phủ Tuy Phước từ ngày 26 đến 29/8/1945; Phủ An Nhơn từ ngày 26 đến 29/8/1945; Phủ Hoài Nhơn từ ngày 27 đến 29/8/1945 và cuối cùng là Huyện Phù Cát từ ngày 26 đến 30/8/1945. Hơn một tuần lễ (23/8 – 31/8/1945), nhân dân Bình Định đã vùng lên giành chính quyền toàn tỉnh thắng lợi. Trước cơn bão táp cách mạng của quần chúng, bộ máy chính quyền của đế quốc và phong kiến từ làng xã đến huyện, tỉnh bị sụp đổ hoàn toàn, âm mưa phá hoại của bọn phản động cũng bị đập tan.

Cuộc đấu tranh hào hung và gian truân của nhân dân và Đảng bộ Bình Định những năm 1930-1945 không chỉ từng ấy. Song đó là những chất liệu làm nên bản sắc, truyền thống của cư dân và tổ chức Đảng trên quê hương người anh hung “áo vải, cờ đào”, một miền đất mà thời điểm nào của lịch sử cũng có những ứng xử, những cống hiến xứng đáng với dòng tiến hóa chung của dân tộc và đất nước.


1. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Định (1930-1945).- Bình Định: S.n, 2015.- 164 tr., 8 tr. ảnh; 24 cm.
     ĐTTS ghi: Đảng Cộng sản Việt Nam
     Phụ lục: tr. 141-161
     Tóm tắt: Giới thiệu về điều kiện tự nhiên, con người, truyền thống văn hoá và những dấu ấn lịch sử của tỉnh Bình Định. Sự hình thành tổ chức Đảng thời kỳ 1928-1930 và tiến trình lịch sử Đảng bộ tỉnh qua các giai đoạn 1930-1931, phong trào những năm 1932-1935, cuộc vận động dân chủ 1936-1939 và khởi nghĩa giành chính quyền 1939-1945.
     Chỉ số phân loại: 324.2597075 L302SĐ 2015
     Số ĐKCB: TK.6389, TK.6390, TK.6391,

Nội dung cuốn sách phản ánh bức tranh lịch sử khá đầy đủ, toàn diện hoạt động của Đảng bộ tỉnh Bình Định giai đoạn 1930-1945. Ghi lại một trong những chặng đường đấu tranh anh dũng chống thực dân, đế quốc của Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà. Hy vọng, cuốn sách sẽ góp phần phục vụ tốt công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng của địa phương.

Sách hiện đang có tại thư viện nhà trường, mời quý thầy cô và các em cùng tìm đọc “Lịch sử Đảng bộ Tỉnh Bình Định 1930-1945” của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh Bình Định. Xin trân trọng giới thiệu đến quý thầy cô và các em. Kính chúc quý thầy cô giáo sức khỏe, công tác tốt. Các em chăm ngoan, học giỏi và đọc nhiều sách hay tại thư viện nhà trường nhé! Xin chào và hẹn gặp lại!